Những lưu ý khi nuôi tôm lót bạt nền đáy để nâng cao hiệu quả
Hàng năm, vào thời điểm giao mùa dịch bệnh trên tôm nuôi lại có nguy cơ bùng phát. Vì vậy, để hạn chế những tác động xấu do biến động của thời tiết, người nuôi cần có những giải pháp phù hợp để ổn định môi trường và nâng cao sức đề kháng cho tôm.
Ao nuôi
Ao nên được tẩy dọn sạch sẽ, rải vôi (tập trung nhiều ở các mương). Cần gia cố bờ ao chắc chắn, sên vét đầm nuôi, giữ mức nước ao nuôi ổn định. Trong quá trình cải tạo bằng cơ giới không được để sình bùn tràn ra ngoài sông rạch.
Bố trí ao lắng có độ sâu 2 – 3 m, đảm bảo dự trữ đủ nước mát, xử lý đúng quy trình, sẵn sàng cấp vào ao nuôi khi cần thiết.
Đối với những ao đầm nuôi quảng canh diện tích rộng, cần gia cố bờ, cống chắc chắn, nhằm giảm lượng nước rò rỉ. Cần đào các mương trong đầm, dọc theo cống, sâu 0,5 – 0,8 m; rộng 2 – 3 m và cứ cách 5 m đào một mương; khi trời nắng nóng tôm sẽ di chuyển xuống tránh nóng.
Đảm bảo môi trường
Hàng ngày nên đo các thông số môi trường, nhất là pH, ôxy, nhiệt độ, độ kiềm… Nếu ngoài ngưỡng cho phép cần tìm ra nguyên nhân để xử lý kịp thời. Người nuôi cần trang bị đầy đủ các dụng cụ đo môi trường khi có yếu tố nào vượt ra khỏi phạm vi thích hợp cho tôm thì đưa ra những biện pháp để kịp thời xử lý, điều chỉnh.
Luôn giữ mức nước nuôi hợp lý (không thấp hơn 1,2 m đối với ao nuôi công nghiệp và 0,5 m đối với ruộng nuôi tôm – lúa, quảng canh cải tiến), tránh ánh sáng chiếu xuống tận đáy và biến động nhiệt độ ngày đêm lớn dễ làm tôm bị “sốc”, là cơ hội để mầm bệnh tấn công gây hại.
Định kỳ 7 – 10 ngày dùng vôi nông nghiệp (CaCO3), Dolomite – CaMg(CO3)2, liều lượng 100 – 300 kg/ha nhằm ổn định chất lượng nước và bổ sung khoáng cho tôm. Lưu ý bổ sung men vi sinh vào ao nuôi cần ủ với mật đường và sục khí trong vòng 3 – 6 tiếng trước khi đánh xuống ao.
Hạn chế tối đa việc sử dụng trực tiếp nguồn nước ngoài sông, rạch đưa vào vuông nuôi, cần phải chủ động nguồn nước sạch đã qua ao lắng để cung cấp, thay nước cho ao khi cần thiết. Đối với những ao đang nuôi thì hạn chế việc cấp nước, chỉ xả bớt nước mặt khi trời mưa lớn.
Cho ăn
Trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào, yêu cầu trong việc cho ăn là không để xảy ra tình trạng dư thừa (gây lãng phí và ô nhiễm môi trường) hay thiếu thức ăn (làm tôm chậm lớn). Do vậy, quản lý thức ăn phải được đặc biệt quan tâm hàng đầu.
Thức ăn cho tôm phải đáp ứng về cả số lượng lẫn chất lượng. Lượng thức ăn trong ngày phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như: giai đoạn phát triển (tôm lớn ăn nhiều hơn khi còn nhỏ), tình trạng sức khỏe (tôm đang bệnh hay lột xác ăn ít hơn lúc bình thường), diễn biến thời tiết (lạnh hoặc nóng quá tôm cũng giảm ăn), thời điểm cho ăn (ban đêm ăn nhiều hơn ban ngày) và chất lượng nước (môi trường nước xấu tôm có xu hướng giảm ăn)… Vì vậy, người nuôi cần theo sát diễn biến tình hình trong ao nuôi để xác định lượng thức ăn hợp lý.
Cách tốt nhất để cho ăn vào mùa nóng nên dựa trên nhu cầu thực sự của tôm chứ không dựa trên việc kiểm tra sàng. Nên tránh cho ăn khi trời quá nóng và cần điều chỉnh thời gian cho ăn vào sáng sớm, chiều muộn hoặc cho ăn nhiều hơn vào buổi tối. Ngoài ra, cần phải dựa vào độ trong. Độ trong thấp hơn 30 cm cho biết tôm đã được cho ăn quá mức 2 – 4 ngày trước đó.
Bên cạnh đó, cần lựa chọn thức ăn có chất lượng tốt. Ngoài yêu cầu dinh dưỡng (đặc biệt là hàm lượng đạm), thức ăn phải đảm bảo màu sắc, mùi vị đặc trưng; độ tan, độ kết dính, kích cỡ phù hợp; tỷ lệ bụi thấp… Tuyệt đối không dùng thức ăn bị nấm mốc, ôi thiu, giảm chất lượng cho tôm ăn.
Ngoài ra, cho ăn và kiểm tra sàng ăn đúng giờ sẽ giúp việc xác định sức ăn của tôm chính xác, nhờ đó công tác quản lý thức ăn sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Xử lý chất thải
Trong ao nuôi nếu lượng chất thải hữu cơ tồn đọng quá cao sẽ gây ra hiện tượng ô nhiễm hữu cơ. Sự lắng đọng lâu ngày của phù sa, phân tôm, thức ăn thừa và xác bã sinh vật làm cho đáy ao ô nhiễm, sản sinh khí độc (H2S, NH3) gây hại cho tôm. Vì vậy, cần định kỳ dùng chế phẩm sinh học, Zeolite hay các sản phẩm chứa hoạt chất Yucca nhằm mục đích hỗ trợ phân hủy chất đáy và giải phóng khí độc, tạo môi trường sạch để tôm sinh sống.
Hạn chế dùng kháng sinh và hóa dược, bởi nếu dùng thường xuyên, thuốc có thể tiêu diệt hệ vi sinh vật có lợi ở đáy ao, giảm quá trình chuyển hóa của lượng chất hữu cơ lơ lững và lắng tụ ở đáy ao.
Định kỳ xi phông loại bỏ chất thải trong ao nuôi. Trong hệ thống ao trải bạt, thiết kế một hố ở giữa ao để quy tụ chất thải và ống PVC chạy ngầm dưới đáy ao đưa chất thải ra ngoài mỗi khi mở van xả. Đối với ao đáy đất, dùng thuyền hoặc phao ngồi trên để di chuyển đầu xi phông toàn bộ hố. Theo kinh nghiệm, nên xi phông mỗi buổi sáng, thời gian xi phông chỉ khoảng 30 phút đến 1 giờ mỗi hố, điều này sẽ hạn chế được rất nhiều chất thải lắng tụ ở đáy ao, giúp duy trì chất lượng nước và đặc biệt giảm được lượng vi sinh cần thiết; hoặc cũng với lượng vi sinh tương tự, nhưng hiệu quả của vi sinh được tốt hơn vì lượng chất thải trong ao ít hơn. Phần nước hao hụt mỗi lần xi phông khoảng 2% nước sẽ được bơm bù lại từ ao chứa đã được xử lý.
Quản lý sức khỏe tôm
Ngoài việc quan sát phản ứng, màu sắc, đường ruột, gan tụy và phân tôm hàng ngày thông qua kiểm tra sàng ăn, người nuôi cần chài tôm định kỳ 5 – 7 ngày hoặc sau khi ao nuôi có những diễn biến xấu như chất lượng nước xấu hay mưa kéo dài để kiểm tra sức khỏe tôm nhằm có biện pháp xử lý kịp thời.
Trong khẩu phần ăn nên thường xuyên bổ sung men tiêu hóa, acid amin thiết yếu (Lysine, Methionine…), vitamin (C, D, A…), khoáng chất (Ca, P…), Bêta-Glucan… để giúp tôm sinh trưởng nhanh và chống chịu tốt đối với sự tác động tiêu cực của môi trường cũng như mầm bệnh.
Khi tôm trong ao nuôi có những dấu hiệu bất thường thì điều đầu tiên phải làm là kiểm tra thật kỹ các yếu tố môi trường. Nếu tất cả đều nằm trong phạm vi tốt thì có thể nghĩ đến vấn đề bệnh. Trong trường hợp này, trước khi tiến hành xử lý, cần thao khảo ý kiến của cán bộ khu vực gần đó để có cách giải quyết, xử lý phù hợp nhất.
Thường xuyên tham khảo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật quản lý môi trường, quản lý sức khỏe tôm trong ao nuôi.